Tin tức & Sự kiện
NGUY CƠ CÁC MẦM BỆNH NGUY HIỂM RÒ RỈ KHỎI PHÒNG THÍ NGHIỆM
Trong bối cảnh nhân loại chỉ vừa thoát khỏi đại dịch COVID-19, số lượng các phòng thí nghiệm được thiết kế để xử lý các mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới (nhưng không đảm bảo an toàn) đang bùng nổ cũng làm nhiều người lo ngại.
Các chuyên gia lo ngại về nguy cơ thiếu sự giám sát ở các phòng thí nghiệm. Họ cho rằng, tại một số cơ sở nghiên cứu sinh học ở khu vực châu Á, các quy tắc an toàn sinh học không được đảm bảo.
Trước đó, đã có giả thuyết phổ biến về nguồn gốc của virus gây bệnh COVID-19. Nhiều người cho rằng mầm bệnh này đã rò rỉ từ một phòng thí nghiệm.
Nhóm chuyên gia cho biết, hiện có 69 cơ sở BSL cấp 4 trên thế giới, 2 năm trước là 59 cơ sở.
Những cơ sở BSL-4 có thể nghiên cứu “thăm dò chức năng” (gain-of-function research), một phương pháp khoa học vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhằm tìm cách thao túng mầm bệnh để khiến chúng có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, biểu hiện tác động tiềm tàng của virus đối với con người.
Theo cáo báo nói trên, có khoảng 75% phòng thí nghiệm BSL cấp 4 còn hoạt động nằm tại các khu vực thành thị. Các chuyên gia cảnh báo, điều này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ cũng như gây hậu quả nghiêm trọng nếu các mầm bệnh phòng thí nghiệm như bệnh đậu mùa, Ebola và sốt Lassa vô tình bị rò rỉ.
Nhóm nghiên cứu còn bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của một loại phòng thí nghiệm mới, được phân loại BSL cấp 3+, là nhóm cơ sở có mức an toàn sinh học cao hơn 3, nhưng thấp hơn 4.
Cụ thể, có 57 phòng thí nghiệm BSL cấp 3+ trên toàn cầu. Hầu hết cơ sở loại này nằm ở châu Âu, với 80% ở khu vực thành thị. Các cơ sở BSL cấp 3+ đang nghiên cứu về các virus nguy hiểm như cúm gia cầm, mà không có các quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt như của cơ sở BSL cấp 4.
Tiến sĩ Filippa Lentzos - chuyên gia an ninh quốc tế tại Trường cao đẳng Hoàng gia London - cho biết việc số lượng các phòng thí nghiệm gia tăng là điều đáng lo ngại, đặc biệt là ở châu Á, do khu vực này thiếu các chính sách quản lý rủi ro sinh học.
Bà Lentzos cho biết: “Các phòng thí nghiệm biệt lập đang mở rộng nhanh chóng ở châu Á, nhưng nhiều nước ở đây không được đánh giá cao về quản lý rủi ro sinh học”.
Theo bà Lentzos, số lượng các phòng thí nghiệm làm việc với mầm bệnh nguy hiểm đang tăng lên nhanh chóng, và ở đây không có quy trình giám sát đầy đủ về an toàn và an ninh sinh học. Không giống như cơ sở BSL cấp 4, các quy tắc an toàn tại cơ sở BSL cấp 3+ vẫn chưa được chuẩn hóa.
Báo cáo nói trên cho thấy mầm bệnh phổ biến nhất đang được nghiên cứu tại các cơ sở BSL cấp 3+ là cúm gia cầm. Một số nhà khoa học lo ngại đây chính là virus có khả năng gây ra đại dịch tiếp theo, sau COVID-19.
Nhóm tác giả nghiên cứu cho biết thêm, 40% trong số 57 phòng thí nghiệm BSL cấp 3+ do chính phủ các nước điều hành, 40% khác thuộc sở hữu của các trường đại học, phần còn lại được chia đều cho các công ty tư nhân và quân đội.
Tiến sĩ Gregory Koblentz từ Trường Chính sách và chính phủ Schar tại Đại học George Mason ở Mỹ - đồng trưởng nhóm của dự án - cho biết: “Chúng tôi rất cần nỗ lực chung tay của cộng đồng quốc tế để giải quyết rủi ro sinh học ngày càng tăng”.
Theo: Báo Phụ Nữ