NGƯỜI NƯỚC NGOÀI MỞ CÔNG TY TÁI CHẾ RÁC NHỰA, KHỞI NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Công ty Plastic People thành lập vào tháng 9-2020 tại TP.HCM, ngay trong dịch COVID-19. Trong hơn hai năm qua, 650 tấn rác nhựa sau tiêu dùng như chai, ly, hộp nhựa, túi ni lông… đã được tái chế 100%.
NGƯỜI NƯỚC NGOÀI MỞ CÔNG TY TÁI CHẾ RÁC NHỰA, KHỞI NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Tái chế để thế giới sạch hơn

Sau khi được phân loại kỹ lưỡng, băm nhỏ, nóng chảy và ép thành tấm, rác nhựa đã trở thành mặt bàn, ghế, mảng tường, gạch lót sàn và bề mặt…

Nano Morante (người Argentina) thành lập Công ty Plastic People với người đồng sáng lập là Nestor Catalan, người Tây Ban Nha cách đây khoảng ba năm ở TP.HCM.

Họ bắt đầu với quy mô và số vốn rất nhỏ - 2 người và 7.000 USD, với lý tưởng rằng với kiến thức và kinh nghiệm của hai, họ sẽ hành động để giảm rác nhựa dùng một lần đang chất đầy các bãi rác, làm ô nhiễm sông hồ, đại dương ở Việt Nam.

Theo báo cáo phát hành của Ngân hàng Thế giới năm 2022, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm, và từ 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn rác thải đổ ra đại dương ở Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới.

Tại công ty tái chế của người đàn ông đến từ Argentina, họ thu mua mọi loại rác nhựa. Nano thường xuyên đến các vựa ve chai, mang theo một túi những mặt hàng mình cần mà các đại lý không thu mua, như bao bì các gói snack, khẩu trang y tế (chứa 100% polyester), hộp xốp styrofoam, túi ni lông… để nói với họ rằng đây chính là những loại rác nhựa anh cần.

"Chúng tôi mua với giá cao hơn một chút, vì họ phải thu gom chỉ để bán cho chúng tôi. Những loại nhựa các công ty khác không mua, chúng tôi thu mua", Nano nói về sự khác biệt của công ty.

Rác nhựa có hai nhóm. Một là rác nhựa tạo ra sau tiêu dùng, nghĩa là rác từ hộp đựng trái cây, sữa chua, túi ni lông, hoặc bất cứ thứ gì đựng trong bao bì nhựa. Loại còn lại là rác nhựa trước tiêu dùng, là rác từ các nhà máy. 

Các công ty tái chế rất thích nhựa trước tiêu dùng, và ưu tiên loại nhựa này vì chúng dễ thu gom với số lượng lớn, cùng chủng loại, đa phần không dính dầu, mỡ, thức ăn thừa… Tuy nhiên, thách thức với cộng đồng và đang gây ô nhiễm đường phố, sông hồ, đại dương là rác nhựa sau tiêu dùng. 

Loại rác nhựa này số lượng nhỏ lẻ, việc thu gom, phân loại rất vất vả. Plastic People tái chế rác sau tiêu dùng là chủ yếu, vì đó là sứ mệnh công ty đặt ra.

Plastic People thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về rác nhựa với các trường học, doanh nghiệp, nhà máy, tổ chức, cộng đồng… để mời từng người dân trở thành một phần của giải pháp họ cung cấp.

Nhiều gia đình, công ty đã chủ động rửa các hộp nhựa sạch sẽ, để vào túi riêng và đặt xe công nghệ gửi đến cho Plastic People, vì họ biết tại đây, tất cả rác của họ sẽ được tái chế.

base64-16810177248281816328039

Nano Morante, quản lý Công ty Plastic People, phân loại rác cùng các thành viên công ty -

Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Mục tiêu của chúng tôi là mở rộng quy mô tái chế, tăng lượng rác tái chế mỗi năm. Chúng tôi muốn tăng gấp 8 lần sản lượng hiện nay, cụ thể là tái chế 2.000 tấn mỗi năm từ giữa năm 2023. Khi tái chế với sản lượng này và bán hết sản phẩm, chúng tôi giúp rác nhựa thành hàng hóa trở lại", Nano cho biết.

 

Người nước ngoài khởi nghiệp ở Việt Nam

"Ban đầu chúng tôi muốn thay đổi thế giới. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng tất cả chúng ta phải cùng nhau thay đổi thế giới, tạo ra thế giới chúng ta muốn. Tôi yêu ý tưởng là cả cộng đồng cùng tham gia giảm rác thải nhựa", Nano chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại nhà xưởng của mình ở Thủ Đức (TP.HCM).

base64-16810177248832117910097

Một số sản phẩm được tạo ra từ nhựa tái chế nguyên liệu do công ty sản xuất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Cầm trên tay một chiếc gương với khung gương làm từ nhựa của công ty, Nano cho biết không có giới hạn cho sự sáng tạo từ thành phẩm của họ. Tuy nhiên, những sản phẩm có kích thước lớn, như vách tường, mặt bàn, sẽ giúp nhiều rác nhựa được trở lại đời sống hơn.

"Tại thời điểm này, chỉ cần thêm từ 10% nhựa tái chế vào một sản phẩm là bạn đã có thể gọi sản phẩm đó là sản phẩm tái chế. Nhưng sản phẩm của chúng tôi có tỉ lệ tái chế 100%. Càng nhiều sản phẩm của chúng tôi được tiêu dùng, càng nhiều rác nhựa được tái chế", Nano nói.

Từ loại nhựa nhiều cơ sở tái chế "chê", Plastic People đã tạo ra những sản phẩm có thể xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Úc và Nam Phi.

"Tôi muốn Plastic People ngày một lớn mạnh. Chúng tôi muốn sớm có mặt ở Hà Nội. Chúng tôi cũng đang thảo luận với một số người khác ở Hội An để ít nhất là thu nhận rác nhựa ở đó. Điều chúng tôi muốn là người dân ở các thành phố khác ở Việt Nam trở thành một phần của dự án tuyệt vời này. Hãy gửi chúng tôi rác nhựa của bạn, chúng tôi sẽ tái chế chúng 100%", Nano khẳng định.

Tái chế là một ngành kinh doanh nhưng Nano bước vào không chỉ để kiếm lợi. "Khi nhựa mới rẻ, việc tái chế không kinh tế, không ai tái chế cả. Chỉ khi nhựa mới tăng giá, tái chế có lợi thì nhiều người mới làm. Với chúng tôi, giá nhựa mới thấp hay cao thì chúng tôi vẫn tái chế và tái chế những thứ khó nhất", anh nói

Plastic People đã có doanh thu bền vững, đồng thời làm Việt Nam sạch hơn qua công việc của họ.

Anh cũng tâm sự rằng khởi nghiệp ở nước ngoài thật sự gian nan khi khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư, nhưng anh quyết sẽ đi tới cùng:

"Nếu thất bại, tôi sẽ đứng lên và bắt đầu lại. Đây là việc chúng ta phải làm. Tôi thấy dường như mọi người đều đợi ai đó bắt đầu sự thay đổi. Nhưng ai cũng có thể mang lại sự thay đổi. Đó là việc Plastic People muốn chứng minh".

base64-16810177249702126349855

Nano Morante giám sát quá trình tạo ra bảng nhựa thành phẩm tại công ty - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo: tuoitre.vn


Bài viết trước
HẠNH PHÚC, HARVARD & RÁC THẢI
Làn da đen nhẻm, gầy gò, nhưng gương mặt luôn rạng ngời nụ cười là sơ nét chân dung của Huỳnh Hạnh Phúc hôm nay. Sẽ thật khó tin khi biết đó là một thạc sĩ chính sách công tốt nghiệp Đại học Harvard - ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới…
Bài viết sau
ĐÀ NẴNG LẮP ĐẶT THỬ NGHIỆM HỆ THỐNG QUAN TRẮC CẢNH BÁO TRIỀU CƯỜNG
TP Đà Nẵng vừa cho phép lắp đặt thử nghiệm hệ thống quan trắc, cảnh báo triều cường trong cộng đồng tại cửa sông Hàn.