TẾT VÀ ... RÁC

“Cứ sau mỗi dịp giao thừa thì quanh khu vực Bờ Hồ rác lại chất thành đống. Rác nhiều thế này chúng tôi có cố làm hết công suất thì cũng phải đến 5 - 6h sáng may ra mới xong được"
TẾT VÀ ... RÁC

Thật lòng là cứ mỗi dịp Tết, nhìn cảnh những người công nhân vệ sinh môi trường đô thị cắm đầu cắm cổ dọn hàng núi rác, mím môi mím lợi gò lưng đẩy những xe rác cao ngồn ngộn khuất cả tầm mắt , tôi cứ thấy thấy bùi ngùi, xót xa sao đó.

Sao mà nhiều rác đến thế! Rác ở khắp các chốn vui chơi công cộng, lễ hội, rác ở các nhà dân, các chung cư ùn ùn đổ ra. Kết thúc chương trình chào đón năm mới 2023, dòng người ồ ạt ra về để lại tràn ngập các loại rác thải, túi nylon tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM). Còn tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), tảng sáng mùng 1 Tết, sau khi các chương trình trình diễn pháo hoa kết thúc, dòng người bắt đầu thưa thớt dần thì dọc các tuyến phố quanh hồ ngổn ngang, la liệt nhiều loại rác thải như: chai nước, khăn giấy, hộp thức ăn... nằm vương vãi khắp nơi.

Đây là tình trạng diễn ra thường xuyên ở Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn trong cả nước sau mỗi đêm giao thừa, sau mỗi lần tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội mừng xuân mới. Sau giây phút giao thừa, hàng trăm công nhân, nhân viên môi trường phải tất bật suốt nhiều giờ mới có thể dọn hết rác người dân bỏ lại.

Một công nhân tại một công ty môi trường quận Hoàn Kiếm tâm sự: “Cứ sau mỗi dịp giao thừa thì quanh khu vực Bờ Hồ rác lại chất thành đống. Rác nhiều thế này chúng tôi có cố làm hết công suất thì cũng phải đến 5 - 6h sáng may ra mới xong được".

Phải nói là rác nhiều trước hết là do ý thức kém của nhiều người tham gia lễ hội Tết. Có nhiều người thực sự rất thiếu ý thức, ngồi ăn uống quanh hồ rồi vô tư đứng lên đi, để hộp nhựa, ly nước của mình dưới đất. Khi các anh chị em công nhân môi trường đô thị tới nhắc nhở thì họ bỏ ngoài tai, vậy là anh chị em công nhân môi trường lại phải tự tay dọn, trong khi các thùng rác gần ngay đó. “Nếu mọi người có ý thức thì anh em chúng tôi chỉ dọn từ 15 giờ chiều đến 3 giờ sáng là xong. Nhưng với tình hình này thì gần 30 anh em làm hết công suất cũng đến 6 giờ sáng mới xong”- một chị công nhân môi trường than thở sau lễ hội pháo hoa.

Cũng có người nói rằng việc xả rác bừa bãi của mình là vì thiếu thùng rác công cộng. Đó chỉ là nguỵ biện. Không có một thành phố nào đủ thùng rác để phục vụ lượng người khổng lồ có mặt cùng lúc ở một thời điểm và chỉ xảy ra vài dịp trong năm. Và nếu có thiếu thùng rác thì cũng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc được xả bậy rác, mà mỗi người, mỗi gia đình khi tham gia lễ hội đều nên chuẩn bị riêng cho mình một túi rác nho nhỏ, muốn xả rác thì cho vào túi đó, tan cuộc vui thì quẳng túi rác đó vào thùng rác công cộng gần nhất hoặc xe rác gần đó.

Mấy năm gần đây, lại thêm một nguồn rác không nhỏ vào dịp Tết. Đó là việc những người bán hoa vào chiều 30 Tết do ế hàng, ngại tốn tiền vận chuyển quay về, họ đã đập nát chậu hoa, chậu quất, chặt chém các cành cây mai, đào, … Họ bán không được bèn đổ thừa người mua hoa ép giá, họ trút giận lên những chậu hoa tội nghiệp.

Và họ trút rác cây, rác hoa ấy ra đầy thành phố. Năm nào cũng vậy, năm nay lại có vẻ nhiều hơn, làm tăng thêm khối lượng công việc thu dọn rác, rất vất vả cho anh chị em công nhân môi trường.

Thay đổi để nâng cao được ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị trong dịp Tết chắc chắn không phải là chuyện một sớm một chiều, mà chắc là còn phải hàng chục cái Tết nữa thì mới hi vọng làm được. Nhưng tôi nghĩ, ngay từ Tết sang năm, chúng ta hoàn toàn có thể làm ngay được một số việc cụ thể để giảm bớt gánh nặng ghê gớm cho các công nhân, nhân viên môi trường vào dịp lễ Tết.

Trước hết, mọi gia đình đều không đổ rác ra ngoài đường vào ngày 30 Tết, mà lưu lại cho hết ngày mùng 1, mùng 2 hẵng đổ, thì chắc chắn những người công nhân vệ sinh môi trường sẽ được nghỉ ngơi sớm hơn vào tối 30 Tết, được sum họp với gia đình cùng đón giao thừa như mọi người chúng ta.

Rác sau Tết còn là những chậu hoa, bình hoa. Nếu chúng ta cứ quẳng nguyên cả bình, cả hoa vào xe rác thì sẽ rất vất vả, khó nhọc cho người công nhân môi trường. Nếu để nguyên cây sẽ rất dềnh dàng, gây khó cho người đổ rác trong khâu thu dọn và vận chuyển rác. Vậy thì tại sao chúng ta không bỏ một chút thời gian, dùng dao, kéo cắt nhỏ các nhánh đào, quất, mai ra , rồi bỏ vào túi nylon cho gọn gàng sau đó mới vứt vào xe rác?

Bằng những cách nói trên, tôi nghĩ rằng các nhân viên thu dọn rác sẽ được nhẹ việc hơn, đem lại cho họ một niềm vui nho nhỏ trong những ngày Tết đến xuân về.

Ngoài ra, trong khi chưa thể trông mong vào ý thức vệ sinh của tất cả những người đi chơi lễ Tết, trong khi câu chuyện “phố phường sạch đẹp sau đêm giao thừa" vẫn chỉ như là ước mong đầy thần thoại, thì việc cần thiết để những hình ảnh xấu xí vứt rác bừa bãi không tái lập mỗi năm là các điều luật về vệ sinh môi trường đô thị phải được quy định rất cụ thể, chi tiết, phải xử phạt thật nghiêm khắc để ngăn chặn.

Chúng ta yêu vẻ đẹp của mùa xuân, của đất trời và con người dịp Tết thế nào, thì hãy yêu thương như thế, hãy chung tay đồng lòng cùng nhau làm tất cả những gì có thể làm được để chia sẻ, để giảm bớt gánh nặng rác, để cho công việc thu dọn rác nhẹ đi chút nào mừng chút đó cho anh chị em công nhân môi trường đô thị.

Làm được thế, từ sang năm, tiếng reo vui “ Tết, Tết, Tết đến rồi” mới thực sự là khúc hoan ca đối với một trong những người vất vả nhất, những người dường như chẳng năm nào có giao thừa được sum họp với gia đình: những công nhân, nhân viên môi trường đô thị.

Làm được thế, tôi và chúng ta, những cư dân ở các đô thị lớn, sẽ khỏi bùi ngùi xa xót vào dịp lễ Tết trước nỗi vất vả đến mức khổ sở của những người thu dọn rác quanh ta.

Theo: moitruongvadothi.vn

 


Bài viết trước
BIỆT ĐỘI SÀI GÒN XANH LỘI BÙN DỌN RÁC KÊNH RẠCH NHỮNG NGÀY GIÁP TẾT
Ngày 24 âm lịch Tết Quý Mão 2023 (tức 15-1), trong khi người thì hối hả về quê, người thì dọn dẹp, mua sắm, trang trí nhà cửa, ở dưới chân cầu An Phú Đông (quận Gò Vấp, TP.HCM), 5 thành viên của nhóm Sài Gòn Xanh đang hì hục dọn đống rác cao như núi giữa dòng nước kênh đen bốc mùi.
Bài viết sau
KINH NGHIỆM QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG TẠI NHẬT BẢN VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
Thực tế những năm qua cho thấy, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là vấn đề môi trường nghiêm trọng, cấp bách và mang tính toàn cầu. Để quản lý hiệu quả vấn đề quản lý rác thải nhựa đại dương, việc tìm hiểu phương thức quản lý rác thải nhựa đại dương của cả nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản là điều cấp thiết, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.