NGƯỜI TRẺ ĐÀ NẴNG “TỬ TẾ” VỚI MÔI TRƯỜNG

Dự án “Zero Waste Community - Cộng đồng không rác thải” là mô hình thu gom rác, phân loại rác thải từ các hộ gia đình, thực hiện vườn cộng đồng ngay trong khu dân cư để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.
NGƯỜI TRẺ ĐÀ NẴNG “TỬ TẾ” VỚI MÔI TRƯỜNG

Đà Nẵng dần phục hồi mọi mặt sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đây cũng là lúc các bạn trẻ của dựa án “Zero Waste Community - Cộng đồng không rác thải” cùng nhau chung sức, đồng lòng để bảo vệ môi trường.

Dự án Cộng đồng không rác thải

Dự án “Zero Waste Community - Cộng đồng không rác thải” là mô hình thu gom rác, phân loại rác thải từ các hộ gia đình, thực hiện vườn cộng đồng ngay trong khu dân cư để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Chị Vũ Hồng Thanh, Đồng sáng lập dự án "Cộng đồng không rác thải" tại Đà Nẵng là người trực tiếp thực hiện dự án này.

Chị kể: “Trước đây, mình vô tình tham gia một khóa học về cộng đồng không rác thải ở Philipine, mình thấy hay quá, hào hứng quá, vậy là mình cùng với những bạn khác cùng nhau lên ý tưởng, mang đi dự thi mà nhận được gói hỗ trợ từ Liên minh Không Rác Việt Nam và Trạm Eco. Vậy là mình thực hiện thôi”.

Với chị Vũ Hồng Thanh, Đà Nẵng có một bờ biển đẹp, lại được bao quanh bởi núi, đặc biệt, từ lâu thành phố này đã nhận ra tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống con người, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được hình thành từ đó.

Những người trẻ tại Đà Nẵng chung tay bảo vệ môi trường

Ảnh: Những người trẻ tại Đà Nẵng chung tay bảo vệ môi trường.

 

Chính vì lẽ đó mà chị Vũ Hồng Thanh cùng những người bạn của mình thành lập nên một dự án mang tên Cộng đồng không rác thải với mục đích giảm thiểu rác thải nhựa, nâng cao ý thức về phân loại rác thải của người dân, giúp cho Đà Nẵng đã xanh còn xanh hơn.

Hiểu được sự “tử tế” của những người trẻ yêu môi trường, bà Đinh Vũ Minh Châu, Chủ thửa đất số K26, đường Morrison, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã “cho mượn” mảnh đất hơn 330m2 này để những người trẻ xây dựng dự án Vườn cộng đồng. Khu vườn dù không lớn nhưng là nơi các bạn trẻ thiết kế thành khu vườn nhỏ với đủ các loại cây.

Điều đáng nói, tất cả cây cối, hoa màu ở đây đều do chính người dân sinh sống xung quanh mang tới và trồng trọt và chăm bón.

Nhìn những hàng cây mình trồng mỗi ngày một xanh tốt, bà Lưu Thị Thắng, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) chia sẻ: “Những lúc có thời gian rảnh hay dịp cuối tuần chúng tôi cũng rất muốn trồng cây, chăm sóc hoa nhưng vì nhà nhỏ, không có đất trống nên có muốn cũng đành chịu. May mắn có các bạn trẻ này mà tôi được tự tay trồng cây, lúc rảnh rỗi thì ra tưới cây, cũng rất thú vị.”

“Tử tế” với môi trường

Không những là vườn rau, vườn cây, tại Vườn cộng đồng còn có sân chơi dành cho các em nhỏ như xích đu, bàn, ghế, bập bênh được làm bằng chính lốp xe, ván gỗ, thanh sắt… . Cứ mỗi buổi chiều đi học về là các em nhỏ lại ríu rít ào ra sân nô đùa, cả khu phố rộn rã tiếng trẻ con.

Để lan tỏa nhiều hơn sự tử tế này, các thành viên của dự án “Cộng đồng không rác thải” đã liên kết cùng các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng tổ chức các hoạt động đổi rác lấy quà, hướng dẫn làm nước tẩy rửa sinh học, phân loại rác thải…

Kết quả, chỉ hơn một năm đã thu hút hơn 1.500 thành viên tham gia dự án trong đó có 770 học sinh trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP Đà Nẵng), 300 sinh viên, thành viên các CLB, đội nhóm, 200 sinh viên khoa Du Lịch trường Đại học Kiến Trúc (TP Đà Nẵng), 200 học sinh trường mầm non cùng 30 hộ dân tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng).

Những hộ dân tự tay mang cây đến trồng và thu hoạch-

Ảnh: Những hộ dân tự tay mang cây đến trồng và thu hoạch. 

Nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng, mục tiêu tiếp theo của dự án “Cộng đồng không rác thải” này hướng đến việc tăng số lượng thành viên lên là 1.900 người, nỗ lực vận động người dân tham gia phân loại rác thải từ chính nhà của mình và cùng với những người trẻ khác tham gia hoàn thiện Vườn cộng đồng tại Sơn Trà.

“Điều mà mình trăn trở mãi là làm sao để lan tỏa được ý thức bảo vệ môi trường đến với tất cả mọi người của thành phố này, đặc biệt là với các bạn trẻ. Bởi chính họ là tấm gương để những em nhỏ noi theo, hướng đến một Đà Nẵng không rác thải”, chị Vũ Hồng Thanh nói.

 

Theo: laodong.vn

 


Bài viết trước
VÌ SAO KHÔNG KHÍ Ở HÀ NỘI Ô NHIỄM NGHIÊM TRỌNG?
Theo Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội, số người thiệt mạng do các nguyên nhân bắt đầu từ bụi mịn của Hà Nội gần 5.800 người mỗi năm, chiếm 32% của miền Bắc. Vậy không khí Hà Nội ô nhiễm do đâu? Qua quá trình thực đo, mới đây, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khoảng 1/3 lượng bụi PM2.5 có trong không khí đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong đó phát thải từ giao thông là nguyên nhân hàng đầu.
Bài viết sau
CÂU CHUYỆN MÔI TRƯỜNG: CÁC STAR UP ĐÔNG NAM Á BIẾN RÁC NHỰA THÀNH HÀNG TIÊU DÙNG
Rác thải nhựa vẫn là một vấn đề đặc biệt nan giải ở Đông Nam Á, nơi đồ uống mang đi từ cà phê nóng đến trà thường được phục vụ trong ly nhựa và nhiều người bán hàng rong sử dụng bao bì nhựa để gói đồ ăn. Gần đây, một số nhà kinh doanh đã chuyển sang ống hút giấy, đồ dùng bằng gỗ và hộp đựng có thể phân hủy sinh họcm nhưng họ chỉ là một phần rất nhỏ so với những người đang sử dụng đồ nhựa và bao bì nhựa khó phân hủy sau khi vứt bỏ.