Tin tức & Sự kiện
'HOA' NỞ TỪ RÁC: 'BÔNG HỒNG' U60 KHỞI NGHIỆP LÀM GIÀU ĐỂ CẢM ƠN CUỘC ĐỜI
Nhiều lần tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại các phiên chợ, hội thảo do thành phố tổ chức, chúng tôi vô cùng ấn tượng với sản phẩm của Minh Hồng Biotech. Mãi gần đây, chúng tôi mới được Giám đốc điều hành Vườn ươm doanh nghiệp (DNES) - ông Nguyễn Văn Chương - kể câu chuyện khởi nghiệp Minh Hồng Biotech đầy cảm hứng, để rồi từ đó chúng tôi quyết gặp bà cho kỳ được.
"Bông hồng" bản lĩnh Trịnh Thị Hồng mồ côi cha lẫn mẹ từ khi mới lọt lòng 1 tháng tuổi. Bà cùng 4 chị em sống trong vòng tay yêu thương của "hàng xóm láng giềng" và những nhà hảo tâm. Học tới cấp II, bà sớm rời quê Quảng Nam ra Đà Nẵng kiếm việc. Ban ngày đi làm, ban đêm học bổ túc văn hóa và trung cấp kế toán. Bà lăn lộn đủ nghề để kiếm sống từ công nhân xưởng may đến nông dân trên ruộng… với khát khao có ngày làm giàu để đền ơn, giúp đỡ những người cưu mang mình. Thế rồi, kết luận ung thư như "án treo" đối với cuộc đời người phụ nữ lắm chông gai.
Giúp mình, giúp đời
Bà Hồng niềm nở tiếp chuyện chúng tôi bên ly trà gần xưởng sản xuất chế phẩm sinh học Minh Hồng Biotech với nụ cười trẻ hơn tuổi. Bà Hồng hồi tưởng về thời gian khoảng hơn mười năm trước. Thời điểm ấy, từ vị trí giám đốc của công ty nước ngoài chuyên về may mặc tại Đà Nẵng, bà Hồng phải nghỉ ngang công việc để làm bệnh nhân.
"Lúc đó, tôi đã xây được căn nhà đẹp ở quận Thanh Khê. Rồi từ năm 2009, tôi điều trị ung thư dài ngày khiến gia đình bắt đầu rơi vào cảnh nợ nần”, bà Hồng bồi hồi nhớ lại khi quyết định bán căn nhà "xịn", chuyển về quận Liên Chiểu trên con đường Phú Lộc 16 (phường Hoà Minh) - lúc bấy giờ còn thưa người ở - để lấy tiền chữa bệnh.
Nhớ lời bác sĩ nói khi ở bệnh viện: Con người cũng như cái cây, nếu không vận động sẽ chết", bà Hồng tự vực dậy tinh thần, rèn luyện với ý nghĩ: “Nếu phải bò cũng không dừng lại".
Khuôn mặt bừng lên niềm phấn khởi, bà kể tiếp hành trình bắt đầu từ giường bệnh bước ra ngoài đi tắm biển mỗi sáng, giao lưu với nhiều người trong tổ dân phố. Bà nhanh chóng trở thành một người được tín nhiệm qua những công việc cụ thể.
"Hoa nở từ rác"- bà Trịnh Thị Hồng đã sáng chế và khởi nghiệp chế phẩm
Tại tổ dân phố mới, bà Hồng sáng lập các mô hình "Tổ góp vốn tình thương" giúp người nghèo có vốn kinh doanh, sản xuất vươn lên thoát nghèo; tổ tiết kiệm 2T (tiết kiệm và tận dụng); đội thiếu niên bảo vệ môi trường;...
Không chỉ hỗ trợ cơm, dầu, gạo muối, số vốn nhỏ quay vòng ấy đã góp phần phát triển sinh kế bền vững cho phụ nữ. Người được giúp mua xe đi bán cá hay tìm một công việc phù hợp và trao học bổng, sách vở cho học sinh nghèo hiếu học,...
Từ thành công của các mô hình phát triển cộng đồng hiệu quả ấy, bà Hồng vinh dự được mời tham dự hội thảo tại Philippines. Cơ hội giao lưu với nhiều chuyên gia môi trường và bạn bè quốc tế trong phát triển cộng đồng đến.
Tại Philippines, trong chương trình hội thảo, bà Hồng tình cờ nghe nói đến mô hình xử lý rác thải thành dung dịch lau nhà. Như "nhặt được đồng tiền vàng" trên đường đi, bà Hồng nhanh chóng nắm bắt cơ hội. nhờ người trong đoàn dịch bài thuyết trình ra tiếng Việt giúp mình.
Mỗi lần bà nhìn ra đường, những thùng rác theo xe công ty môi trường đô thị chở đi, rác ứ đọng ngập vỉa hè, rồi nhìn cảnh chạy ăn từng bữa của những người phụ nữ quanh mình, bà Hồng thốt lên: "Giá như rác này có thể biến thành tiền thì bà con phường Hòa Minh lợi biết mấy". Bà bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu rác như thế.
"Tôi đi nhặt rác ai cũng lấy làm lạ. Tôi nói tôi nhặt rau, củ quả, hoa người ta bỏ đi để nhập cho cô Hồng làm nước rửa chén. 1000 lít được 3 triệu đồng”, bà Lê Thị An (phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu) kể.
Bà Hồng “tha" rác về nhà. Nghiền ngẫm với việc tái chế rác, thử đi thử lại vẫn không thành công. Đã có người nói người đàn bà ôm mộng kiếm tiền từ rác ấy là "điên", là "thần kinh" nhưng bà Hồng kiên định khát vọng làm giàu từ rác.
Năm 2015, lần đầu tiên sau 3 năm nghiên cứu, bà Hồng mang sản phẩm thô đến các chợ phiên ở Quận Sơn Trà, Cẩm Lệ và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
"Cú hích" quyết định là khi UBND TP Đà Nẵng biết đến câu chuyện tái chế rác đặc biệt của bà và có chỉ đạo kịp thời cho Sở Khoa học và Công Nghệ phối hợp UBND quận Liên Chiểu, Sở Y tế Đà Nẵng về thăm xưởng sản xuất. Trên cơ sở kiểm tra sản phẩm của Minh Hồng Biotech, cơ sở nhận được hỗ trợ bảo hộ thương hiệu hàng hóa của Cục Sở hữu trí tuệ năm 2018, kiểm định chất lượng của Sở Y tế,..
Minh Hồng Biotech tham gia học hỏi tại Vườn ươm doanh nghiệp (DNES) để giới thiệu câu chuyện doanh nghiệp của mình, cách vận hành và phát triển sản phẩm.
Đây là bước đệm quan trọng cho chế phẩm sinh học nước lau nhà, rửa chén Minh Hồng Biotech được thương mại hóa rộng rãi trên thị trường như ngày nay.
“Hoa” nở từ rác
Bà Hồng vừa nói vừa mang cho chúng tôi những chai xà phòng, nước sửa chén, lau nhà do mình sáng chế. Sản phẩm được điều chế từ rác hữu cơ ủ cùng cây rau mương, tinh dầu dừa, các loại vỏ rau củ khác... Thay thế dùng Sodium như các dòng hóa phẩm hiện nay, bà Hồng tạo ra nước lau sàn có giá rẻ hơn từ 1,5 – 9,5 lần so với các chế phẩm cùng loại trên thị trường.
Với phương pháp bảo quản bằng vi khuẩn hiếu khí trong công nghệ sinh học thay vì dùng hóa chất bảo quản, không kim loại nặng, không hóa chất, khí độc hại. Dù ít bọt, ít nhớt nhưng chế phẩm do bà Hồng sáng tạo có khả năng tẩy sạch vết bẩn và nhờ đó tiết kiệm nước, tiết kiệm thời gian, công sức khi làm việc nhà mà không cần dùng tới hóa chất.
"Nước lau sàn làm từ rác hữu cơ, khi tưới cho cây cây tốt, khi đổ xuống cống sẽ tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy có hại, không gây tắc cống mà có khả năng nuôi cá, tôm", bà Hồng nói.
Nguyên Chủ tịch Hội Phụ Nữ TP Đà Nẵng lúc bấy giờ là bà Đỗ Kim Lĩnh mời bà Hồng đi chia sẻ khắp 56 phường, xã trong thành phố. Bà Hồng không ngần ngại chia sẻ "bí kíp" mình đã mày mò suốt nhiều năm. Nhiều phụ nữ khác bắt đầu làm theo và phản hồi lại: "Hồng ơi, nước lau sàn tốt nhưng lỏng quá dùng hao tốn". Lại thêm lần nữa, bà Hồng loay hoay với việc hoàn thiện sản phẩm.
Bà Hồng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu sản phẩm lau bếp mới không hôi hóa chất, không quá đắt tiền như sản phẩm nhập ngoại lại an toàn cho môi trường và cho người sử dụng...
"Tôi sẽ ra mắt sản phẩm mới sau khi hoàn thiện mẫu mã đẹp mắt. Xưa bán cái mình có, giờ bán cái họ cần, bảo vệ môi trường, thân thiện người tiêu dùng. Dù quảng cáo hay mà họ dùng một lần không trở lại sẽ thất bại. Phải làm sao ngày mai, ngày mốt người ta quay lại dùng mới quan trọng... Đâu chỉ có người giàu mới cần bảo vệ sức khỏe, người nghèo cũng cần bảo vệ sức khỏe chứ", bà Hồng hồn hậu nói.
Bà Hồng từng thế chấp sổ hồng căn nhà mới để trả lương cho nhân viên khi buổi đầu khởi nghiệp. Như "vết dầu loang", giờ đây Minh Hồng Biotech đi tới đâu, người tiêu dùng tin tưởng đến đó, người này giới thiệu người kia, cứ vậy lan toả.
Hiện nay, Minh Hồng Biotech có 100 đại lý, 5 nhà phân phối; 8 sản phẩm; thu hút 140 hộ tham gia sản xuất tại gia đình, thu nhập từ 3 - 7 triệu/tháng/hộ tùy sản lượng; 5 nhân sự làm các công việc nhập chế phẩm, tạo độ đặc và các tiêu chuẩn bộ Y tế tại công ty. Hiện nay, bà còn là chủ nhiệm CLB Phụ nữ khởi nghiệp TP Đà Nẵng, trở thành cố vấn cho rất nhiều người trên con đường trở thành doanh nhân.
Như "Hoa nở từ rác" - bà Hồng không chỉ đẩy lùi căn bệnh K quái ác còn ghi danh mình vào các giải thưởng: Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2017 do Bộ TN&MT trao tặng; giải Nhất toàn quốc HATCH!FAIR 2016 chương trình triển lãm và hội nghị khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam; đứng thứ 5 khối Kinh tế Đông Nam Á về ảnh hưởng xã hội 2017, khu dân cư Hoà Phú 5 trở thành điểm đến tham quan cho nhiều đoàn khách Thái Lan, Lào, Malaysia, Philippines, Mỹ, Đức... Start up này đã góp phần xử lý 60% rác thải hữu cơ thực vật tại cộng đồng.
Theo: sohuutritue.net.vn